Ticker

6/recent/ticker-posts

Header Ads Widget

gifs website

Hà Nội cần đẩy mạnh tái cơ cấu đầu tư công

Đó là ý kiến của nhiều chuyên gia tại hội thảo khoa học “Kinh tế Hà Nội trong thời kỳ kinh tế thế giới suy thoái” do UBND TP Hà Nội tổ chức ngày 9/10. 


Các chuyên gia cũng cho rằng, Hà Nội cần có gói giải pháp cụ thể để cứu nguy các doanh nghiệp. Theo Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội, trong nhiều năm Hà Nội luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao. Giai đoạn 2008 - 2012, GDP trên địa bàn bình quân 9,4%, cơ cấu kinh tế đang chuyển dịch theo hướng hiện đại, hội nhập. 

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng, suy thoái kinh tế thế giới và việc mở rộng địa giới hành chính đã tác động, làm phức tạp thêm các quá trình như: Thị trường xuất khẩu hàng hóa - dịch vụ bị thu hẹp; số doanh nghiệp phá sản, đóng cửa luôn tăng cao xấp xỉ số doanh nghiệp mới thành lập; hầu hết các chỉ tiêu thu nhập GDP/đầu người, năng suất lao động, bảo đảm cung ứng các dịch vụ xã hội - đô thị, giáo dục, y tế…. đều bị giảm sút.

“Nhiều doanh nghiệp Hà Nội gặp khó khăn trong điều kiện canh tranh gay gắt hơn. Một số dự án FDI tiềm ẩn rủi ro và thách thức xét về cơ cấu đầu tư theo ngành, năng lực của chủ đầu tư, mức độ phù hợp với lợi ích quốc gia, mục tiêu phát triển bền vững. Quá trình hội nhập cũng bộc lộ các hạn chế, yếu kém mang tính cơ cấu và thể chế nội tại nền kinh tế đã ảnh hưởng năng lực cạnh tranh và phát triển kinh tế Thủ đô”, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu nhấn mạnh.

Đặc biệt, cơ cấu thành phần kinh tế vận động chưa phù hợp với cải cách thị trường, tuy tỷ trọng khu vực kinh tế FDI được cải thiện (tỷ trọng từ 14,9% năm 2000 lên 16,5% năm 2012), nhưng kinh tế tư nhân đang bị thu hẹp và chất lượng hoạt động thấp, trong khi kinh tế Nhà nước có xu hướng phình to, chậm đổi mới, dựa dẫm vào cơ chế bao cấp, hạn chế cạnh tranh.

Cùng với đó, các vấn đề chuyển dịch cơ cấu kinh tế, vấn nạn xã hội và ô nhiễm môi trường, đô thị hóa quá nóng và người dân mất đất thiếu việc làm, nhất là thiếu việc làm ở vùng nông thôn ngoại thành đang trở nên bức xúc.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội Nguyễn Đình Dương cho rằng, thách thức của Việt Nam và Thủ đô Hà Nội sau khi thoát khỏi nước thu nhập thấp là đang đối diện với “bẫy thu nhập trung bình” và “bẫy thương mại tự do”, nguy cơ không chỉ là tụt hậu mà ngày càng xa hơn so với các thủ đô trên thế giới”.

Tại hội thảo, GS.TS Ngô Thắng Lợi nhận định, từ 2001 đến nay, mô hình tăng trưởng của Hà Nội theo chiều rộng với sự đóng góp chủ yếu của yếu tố vật chất và chủ yếu dựa vào động lực chính là các ngành sản xuất, thương mại dịch vụ truyền thống, chất lượng thấp và khu vực Nhà nước vẫn chi phối chủ đạo quá trình tăng trưởng.

Các chuyên gia cho rằng, để bảo đảm tăng trưởng, phát triển bền vững trong thời kỳ tới, Hà Nội cần đẩy mạnh tái cấu trúc kinh tế, nhất là tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng - tài chính; tái cơ cấu sản phẩm hàng hóa - dịch vụ và thị trường. Chuyển đổi mô hình tăng trưởng của Thủ đô từ chiều rộng sang chiều sâu, lấy hiệu quả, chất lượng và sức cạnh tranh làm chỉ tiêu cơ bản.

“Điểm nhấn là phải thực hiện hiệu quả tái cơ cấu đầu tư công. Hà Nội cần giảm dần quy mô và tỷ trọng đầu tư công vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Vốn đầu tư công cần được hướng chủ yếu vào những ngành, lĩnh vực phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo phúc lợi nhân dân. Đặc biệt phải sử dụng đầu tư công như một công cụ hữu hiệu bảo đảm sự phát triển hợp lý giữa đô thị và nông thôn, giữa các vùng và nhóm xã hội”, GS.TS Ngô Thắng Lợi nhấn mạnh

Bên cạnh đó, Hà Nội cần tập trung hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp trong giai đoạn khủng hoảng, suy thoái; nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, mở rộng thị trường cho hàng hóa - dịch vụ; tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, minh bạch hóa chính sách và tích cực phòng, chống tham nhũng; hiện đại hóa nông thôn, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế ngoại thành….
 
x

ĐĂNG KÝ DỊCH VỤ

ảnh viền